…Vì những lý do muôn thuở, vì chính ngành quảng cáo, và vì khán giả “vô tâm” đã khiến quảng cáo truyền hình phải “ba chìm bảy nổi”
Vấn đề muôn thuở được nhắc đến nhiều nhất vẫn là quỹ thời gian cho việc xem quảng cáo ngày càng eo hẹp. Sự ra đời của truyền hình cáp với những chương trình nội-ngoại quốc đa dạng đã khiến khán giả không còn phụ thuộc vào các chương trình quảng cáo như một nguồn giải trí nữa. Không dừng lại đó, số phận của các chương trình quảng cáo truyền hình còn thê thảm hơn khi internet xuất hiện; và điều tăm tối nhất đối với quảng cáo truyền hình hiện nay có lẽ là sự thịnh hành của smartphone với hệ quả “đa màn hình” (multi-screen). Quỹ thời gian hạn hẹp cùng với vô vàn sự lựa chọn trên tivi, internet đã khiến con người thực dụng hơn, họ chỉ xem những gì mang lại giá trị giải trí (như gameshow) và giá trị tin tức (như thời sự) thực sự mà thôi. Đối với họ, giá trị giải trí và thông tin mà quảng cáo mang lại còn thua xa so với các chương trình khác. Vậy tại sao phải xem quảng cáo?
Một vấn đề khác cũng hay khiến những người làm quảng cáo tự ái chính là câu nói “Quảng cáo nói láo ăn tiền”. Nói đúng ra, lỗi không hoàn toàn nằm ở quảng cáo mà nằm ở thương hiệu. Quảng cáo chỉ là công cụ để thương hiệu trò chuyện với khách hàng mà thôi, thương hiệu bảo làm gì thì quảng cáo làm nấy. Vậy tại sao không tẩy chay thương hiệu – những người “nói láo” mà lại tẩy chay quảng cáo, rồi lại dán cho quảng cáo một cái mác không thể nào gỡ nổi? Tuy vậy, quảng cáo không phải hoàn toàn không có lỗi. Lỗi của quảng cáo nằm ở chỗ nội dung dở, hình ảnh không đẹp mà lại xuất hiện nhiều lần khiến người ta bực bội. Những quảng cáo như vậy thực ra chỉ là một vài “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi, nhưng vì tinh thần “quơ đũa cả nắm” cùng với việc hùa theo số đông (social conformity) mà hầu hết khán giả kết luận rằng tất cả quảng cáo đều dở và gây phiền phức như nhau. Từ đó, quảng cáo bị hắt hủi ghê gớm.
Một lý do khác khiến quảng cáo không được đón nhận nhiều chính là sự thiếu khả năng hiểu và cảm thụ quảng cáo ở khán giả (advertising literacy). Thực ra, khán giả chưa bao giờ có tâm thức thực sự khi xem quảng cáo. Nếu họ xem quảng cáo như việc xem một bộ phim, tức là để ý từng chi tiết từ nội dung đến âm thanh, hình ảnh, lời thoại, các đoạn chuyển cảnh hay background thì họ sẽ nhận ra rằng, mỗi yếu tố trong 30-60 giây ngắn ngủi đó đều được liên kết với nhau mạch lạc, có mục đích rõ ràng và đôi khi còn mang tính nhân văn sâu sắc chứ không phải là sự kết hợp qua loa. Tất cả các mối liên kết đó đều góp phần làm rõ thông điệp mà thương hiệu muốn gửi gắm. Buồn thay, với cuộc sống càng bận rộn và nhiều cám dỗ mới mẻ, có lẽ khán giả sẽ chẳng bao giờ hứng thú với việc bỏ ra vài giờ để phân tích một mẫu quảng cáo như một bộ phim.
Đó là một vài trong số những gì đang diễn ra; và những điều này có lẽ không bao giờ thay đổi. Khán giả sẽ tiếp tục tiếp cận nhiều thứ mới mẻ hơn và hình thành những thói quen phức tạp hơn, và quảng cáo vẫn phải tiếp tục cuộc đời không may mắn của nó.
Triệu Hoàng Giang
Theo Maad gurus